Nhà thờ Mằng Lăng – một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có kiến trúc độc đáo với hình dáng, đường nét mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIX.
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1892, do một người Pháp tên Joseph de La Cassagne mà người dân xứ đạo tại đây gọi tên theo tiếng Việt là Cố Xuân, vị linh mục đầu tiên của giáo xứ Mằng Lăng. Toàn bộ nhà thờ Mằng Lăng được đặt trong khuôn viên rộng 5.000m² với không gian thoáng mát, rợp bóng cây xanh và những hàng cây sakê toát lên sự mạnh mẽ. Ban đầu nhà thờ được sơn màu trắng, tuy vậy, theo thời gian đã ngả thành đen xám và lâu nay đã trở thành một bức tranh thủy mặc hữu tình bên dòng sông Cái chảy hiền hòa.
Mặt tiền nhà thờ Mằng Lăng có kiểu kiến trúc gothique lại gây ấn tượng như một nhà thờ ở Pháp hoặc ở La Mã đầy chất mỹ thuật. Riêng hai mặt bên hành lang nhà thờ còn được thiết kế theo hình búp măng cách điệu đẹp mắt. Đặc biệt, khu thánh đường bên trong nhà thờ có thể khiến du khách choáng ngợp qua những khung cửa sổ sặc sỡ sắc màu, những bức tường phủ sơn màu nâu vàng và mái trần gỗ bóng mượt treo những chiếc đèn cổ.
Nhà thờ có tên gọi Mằng Lăng hàng trăm năm trước khu vực này là rừng với rất nhiều cây mằng lăng, có tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng. Dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn, nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây quý này.
Trong phòng truyền thống của nhà thờ hiện còn lưu trữ và triển lãm tất cả những tư liệu liên quan đến chân phước (chức danh dành cho những nhà truyền giáo tử vì đạo) Anrê Phú Yên. Đây là người tử vì đạo đầu tiên trong số 117 vị tử vì đạo đã được phong thánh của Việt Nam.
Theo Báo Ninh Thuận