Tu viện Paro Taktsang (Tiger’s Nest) – niềm tự hào Bhutan

tu-vien-Paro-Taktsang-Tiger’s-Nest-bhutan-du-lich-de-men-vn
Tu viện Taktsang Palphug, còn được gọi là tu viện Paro Taktsang hay tu viện Tiger’s Nest (Hang Hổ), là một cơ sở Phật giáo Kim cương thừa linh thiêng nằm cheo leo trên vách đá của thung lũng ParoBhutan.
Đây là một trong 13 “hang hổ” mà Đức Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) đã thực hành thiền định và giảng dạy Kim cương thừa. Các nhà nghiên cứu cho rằng Đại sư Padmasambhava sống vào khoảng thế kỷ thứ VIII sau Tây lịch. Ngài là một thành viên trong gia đình Bà-la-môn thuộc giai cấp thượng lưu sinh sống ở khu vực thuộc Pakistan ngày nay. Khi còn rất trẻ, ngài đã bắt đầu thực hành theo truyền thống Kim cương thừa và sau đó, dành cả cuộc đời để truyền bá Phật giáo đến vùng Himalaya.
Đại sư Padmasambhava được xem là người đầu tiên mang Phật giáo đến Bhutan, một vương quốc miền núi hẻo lánh và hoang sơ nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt, nơi ngài đến đầu tiên chính là hang động thuộc tu viện Paro Taktsang ngày nay.
tu-vien-Paro-Taktsang-Tiger’s-Nest-bhutan-du-lich-de-men-vn-2
Taktsang trong tiếng Tây Tạng được đánh vần là “stag tshang” với nghĩa đen là “hang của hổ’. Người dân ở đây tin rằng từ Singye Dzong, ngài Padmasambhava đã cưỡi trên lưng của một con hổ và bay đến đây.
Theo truyền thuyết kể lại, con hổ đó chính là hoàng hậu Yeshe Tsogyal của Tây Tạng, cô đã biến mình thành con hổ và nguyện cõng bậc đạo sư của mình từ Tây Tạng đến hang động Taktsang. Tại đây, ngài đã hành thiền đúng 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày và 3 giờ trước khi xua đuổi một số ma quỷ gây phiền phức ở thung lũng bên dưới. Đặc biệt, khi nhập vào thiền định, ngài Padmasambhava đã hiện ra 8 dạng hóa thân và cũng từ đó, nơi này trở thành thánh địa và được biết đến với cái tên Tiger’s Nest (hang động của hổ).
Paro Taktsang đã trở thành nơi tu tập thiền định của nhiều nhân vật quan trọng của Phật giáo Tây Tạng trong những thế kỷ sau đó, chẳng hạn như Milarepa (1040-1123), Pha Dampa Sangye (?-1117), Machig Labdrön (1055-1145) và Thangton Gyelpo (1385-1464). Tuy nhiên, mãi đến cuối thế kỷ XVII, ngôi chùa mới được xây dựng. Vào năm 1692, Tenzin Rabgye đến thăm địa điểm này và xây dựng một tu viện xung quanh hang động mà ngài Padmasambhava đã hành thiền nhằm tôn vinh và tưởng nhớ bậc đạo sư của mình. Tenzin Rabgye là một người trị vì Bhutan và được xem là hóa thân của Padmasambhava.
Tu viện Tiger’s Nest nằm cách thung lũng Paro 10km về phía Bắc và nép mình trên một vách đá chênh vênh ở độ cao 3.120m so với mặt nước biển. Các sườn đá rất dốc và gần như thẳng đứng. Các tòa nhà của tu viện được xây dựng bám vào mặt đá một cách chắc chắn theo kiểu “như con thạch sùng đang bám vào vách đá”. Tuy quần thể Paro Taktsang nhìn có vẻ như hiểm trở và khó tiếp cận, nhưng có rất nhiều con đường dẫn lên tu viện, chẳng hạn như lối đi từ phía Tây Bắc xuyên qua khu rừng, con đường mòn phía Nam và lối đi từ phía Bắc qua cao nguyên đá. Quần thể tu viện thường được mây mù che phủ, tạo ra những cảm giác xa xôi, ảo diệu.
Ở đây, mọi thứ đều trở nên thiêng liêng và huyền bí. Điểm bắt đầu của con đường mòn là một chiếc kinh luân lớn chạy bằng nước được đặt bên dòng suối chảy. Người dân Bhutan tin rằng khi nước chạm vào đồ vật linh thiêng này thì nước sẽ trở thành nguồn phước lành và năng lượng thanh tịnh đó sẽ được lan tỏa và thấm nhuần vào tất cả những sinh vật sống phía hạ nguồn.
tu-vien-Paro-Taktsang-Tiger’s-Nest-bhutan-du-lich-de-men-vn-3
Cảnh vật ở đây vô cùng yên tĩnh và thanh bình, thậm chí người ta có thể nghe thấy rõ mồn một tiếng nước chảy của những con suối gần đó. Đặc biệt, dọc theo đường mòn đến Tiger’s Nest, những lá cờ cầu nguyện được treo dày đặc với nhiều màu sắc sặc sỡ. Cờ được treo bên ngoài nơi cư trú, dọc theo những con đường và trên các cây cầu để tượng trưng cho hạnh phúc, cuộc sống trường thọ, may mắn và phước báo. Người dân tin rằng những rung động của những lá cờ cầu nguyện khi gió thổi vào sẽ hòa quyện vào không khí, bất cứ ai chạm vào làn gió sẽ được hạnh phúc và thịnh vượng hơn. Đây là những phước lành trên mặt đất, một cách để thánh hóa một nơi nào đó trong tự nhiên.
Sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 1998, khu phức hợp Taktsang hiện tại được xây dựng lại vào năm 2000, bao gồm 4 tòa chính và 8 hang động, các tòa nhà được kết nối với nhau bằng các bậc cầu thang đá và những cây cầu ọp ẹp. Cũng giống như những tu viện khác ở Bhutan, Paro Taktsang nổi bật với những bức tường màu trắng và những mái nhà lợp bằng ván đỏ và vàng.
Trong sân tu viện, có những kinh luân lớn được xếp thành hàng, các nhà sư mỗi sáng thường quay kinh luân này để bắt đầu một ngày mới. Phật tử ở Bhutan tin rằng việc quay kinh luân cũng giống như đọc kinh và cầu nguyện những điều tốt lành đến với bản thân và những người xung quanh. Nội thất của tu viện nổi bật với trần nhà, tượng Phật đều được mạ vàng và một con hổ lớn được tôn trí bên trong đại sảnh ngàn vị Phật. Ngoài ra, những bức tranh đầy màu sắc được trưng bày hàng loạt.
Phía sau các tòa nhà là những hang động huyền bí. Bốn trong số 8 hang động đó có thể dễ dàng ra vào được. Đáng chú ý nhất là hang động của ngài Padmasambhava, nơi ngài và các đệ tử hành thiền và học hỏi giáo pháp. Tuy nhiên, hang động này chỉ được mở cửa cho công chúng mỗi năm một lần. Đặc biệt, hang động mà ngài Padmasambhava cưỡi hổ đi vào được gọi là “Tholu Phuk” và nơi ngài nhập định là “Pel Phuk”.
Hàng chục hình tượng của các vị Bồ-tát được trưng bày và những những ngọn đèn bơ cháy lập lòe để soi sáng cho cả không gian. Ở đây, còn có một di vật đặc biệt quan trọng là một cuốn kinh được viết bằng vàng trộn với bột xương của một vị Lạt-ma giác ngộ được đặt trang trọng trong một gian nhỏ ở hang động.
Ngoài ra, ở đây còn có các bức tranh thangka vẽ các hình tượng của Phật, Bồ-tát và các bậc đại sư, ngài Padmasambhava và các vị thần trong văn hóa dân gian của người dân Bhutan được treo khắp các bức tường trong tu viện.
Với lịch sử lâu đời gắn liền với ngài Padmasambhava – vị đại sư nổi tiếng và được người Bhutan tôn kính, cùng với sự vững chãi và yên bình của một địa thế cách biệt với thế giới ồn ào bên ngoài, tu viện Paro Taktsang xứng đáng là một biểu tượng văn hóa du lịch của đất nước hạnh phúc Bhutan.
Tâm Tuệ tổng hợp/Báo Giác Ngộ
gthv-dldm