Tìm hiểu cây cầu tre Su Tong Pe ở Mae Hong Son, Thái Lan

Su-Tong-Pae-Mae-Hong-Son-Thai-lan-du-lich-de-men-vn
Mae Hong Son, Thái Lan ôm ấp nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn. Đã mấy lần lang thang, tôi lại ngược cung đường hơn 2.000 đèo dốc lẫn khúc cua lớn nhỏ quanh co tìm đến khi tình cờ đọc, thấy hình ảnh cầu tre Su Tong Pae.
Miền biên ải, sâu tít trong những cánh rừng Tây Bắc, Mae Hong Son được vinh danh “miền hạnh phúc nhất Thái Lan” qua khảo sát năm 2013. Không là phố thị phồn hoa như Bangkok hay các miền du lịch lừng danh Phuket, Chiang Mai… phố thị bán buôn đông đúc Khon Kaen, Udon Thani… miệt sơn cước còn khá hoang sơ. Bù lại, giàu lịch sử, đa văn hoá với nhiều dân tộc cùng chung sống.
Su-Tong-Pae-Mae-Hong-Son-Thai-lan-du-lich-de-men-vn-1
Từng thuộc Myanmar cho đến ngày Thoả thuận biên giới Anh Xiêm 1892 – 1893 dùng dòng Nộ Giang (còn gọi Salween, Salawin, Thanlwin) làm biên giới tự nhiên, Mae Hong Son mới về hẳn đất Chùa Vàng. Nên ngoài các sắc dân Miến như Karen, Yai… còn có nhiều dân tộc thiểu số Thái chung sống hiền hoà. Đa dạng sắc tộc, văn hoá, nhưng chung một tôn giáo. Sắc chùa Miến cạnh tranh màu chùa Thái, dáng chùa Hoa… Phật giáo là tôn giáo chính ở đây. Cũng là lý do cầu tre dài nhất xứ Thái ra đời. Rất lạ, vì cây cầu dài hơn 500m dù chỉ ngang qua dòng sông bề rộng vài mét.
Su-Tong-Pae-Mae-Hong-Son-Thai-lan-du-lich-de-men-vn-2
Chuyện là làng Kung Mai Saak cạnh dòng Mae Sa Nga chảy dưới chân ngọn đồi có chùa Wat Phu Sa Ma toạ lạc. Băng qua cánh đồng ven làng kề sông, các tăng sư đi khất thực mỗi sáng cũng như người thôn xóm đi chùa đơm lễ dâng hương. Tạo điều kiện cho các sư cũng như dân làng nhất là những ngày mưa lũ sình lầy ngập lụt, dân làng đã dựng cây cầu tre thâm thấp nối từ xóm gò tới chân đồi. Vắt qua đồng, ngang sông. Nên dù bắc qua Mae Sa Nga nhỏ xíu, Su Tong Pae lại là cầu tre dài nhất xứ Thái. Giờ cũng nổi tiếng kha khá khi đã lên phim, truyền hình ở bển như Sunset over Burma… Nên kẻ ham vui từ nước Việt xa ngái cũng lò dò tìm tới.
Cầu Su Tong Pae là một cây cầu tre rộng khoảng 2m, dài 600m được xây dựng bởi tín ngưỡng của các nhà sư, sa di và dân làng. Cây cầu trải dài từ công viên Tham Phu Sam đến làng Teak Kung Mai và được xem là một cây cầu bằng gỗ của đức tin, từ “Su Tong Pee” trong tiếng Thái Yai có nghĩa là “cầu nguyện thành công”. Các nhà sư sẽ khất thực trên cầu vào mỗi buổi sáng từ 6h30 đến 7h30.
Thái Hoãn
Theo TGTT