Ngay trong lòng thủ đô Vientiane của nước bạn Lào có một ngôi chùa đặc biệt. Đó là chùa Sỉ Mương.
Cảm giác đầu tiên khi bước chân vào chùa Sỉ Mương là sự hồi hộp đến lạ thường. Ngôi chùa nằm giữa trung tâm thủ đô Lào với tấp nập người qua lại vậy, nhưng bên trong lại tĩnh lặng đến lạ kỳ. Tương truyền, cách đây 2.600 năm về trước, khi đất nước Lan Xang (Lào cổ) được dựng lên, đức vua lựa chọn địa điểm tại huyện Sỉ Xắc Ta Nạt để cắm mốc chủ quyền.
Vào một sáng ngày lành, tháng tốt, sau khi lập đàn cúng bái trời đất, người ta cho đào một hố sâu để chôn cột mốc. Song điều đặc biệt, hố đào trúng mạch nước ngầm, trong xanh phun lên không dứt khiến công việc bị ngừng trệ. Từ đây, đức vua cho truyền lời kêu gọi thần dân tình nguyện hiến dâng sinh thể mình làm “cột mốc” thiêng của tổ quốc.
Thể theo lời kêu gọi của đức vua, một người phụ nữ còn trẻ, đang mang thai tên Sỉ đã xung phong thực hiện ý nguyện của đức vua. Sau đó, nhà vua lập đàn tế lễ, ý nguyện của nàng Sỉ được thần linh chấp nhận. Nàng Sỉ cùng một con ngựa trắng nhảy xuống giếng, cột nước vọt lên trời hóa thành cầu vồng rực rỡ muôn màu sắc.
Phải 100 ngày sau, hố giếng không ai lấp mà tự liền lại và nhô lên khỏi mặt đất một cột mốc thiêng. Người ta lấy gạch xỉ bao quanh giếng thành một ngọn đồi nhỏ, ước chừng cao 5m, dài 15m, rộng 11m và từ đó gọi tên Chậu Me Sỉ Mương nghĩa là Mẹ Sỉ làm chủ huyện, làm chủ đất nước.
Cách nay khoảng 600 năm, chùa Sỉ Mương được xây dựng và chia thành hai khu: Ngôi chùa chính hai gian, gian trong là chính điện thờ Phật, ở giữa ban thờ có cột đá ong được hiểu như cột mốc cùng các tượng phật. Phía sau chùa, có một khối cao xếp bằng đá ong. Tương truyền, khối cao do người Kh’mer xây dựng vào thế kỷ XI-XII, được hiểu như cột mường (cột mốc).
Hiện nay, khối đá ong được quấn vải lụa nhiều màu. Đến nay, chùa Sỉ Mương đã trải qua nhiều lần trùng tu. Quan sát, tôi thấy mọi người đến chùa đều mang theo các đồ ngọt như: Bánh kẹo, chuối chín (chuối ngự), dừa quả, hương, hoa, nến (tuyệt đối không cúng đồ mặn, thịt cá) để cúng lễ. Hỏi ra mới biết, đó là việc họ làm theo sở thích của nàng Sỉ Mương.
Chuyện đôi chim hạc
Đó là câu chuyện về đôi chim hạc đậu trên cột cao xếp bằng đá ong hay còn gọi hòn giả sơn. Đôi chim hạc từ đâu bay về đây sinh sống chưa rõ, nhưng chỉ quanh quẩn trong không gian phần mộ nàng Sỉ Mương rộng khoảng 165m2.
Bên cạnh có cây me cổ thụ rợp bóng mát phủ lên khắp phần mộ. Đôi hạc điềm nhiên đứng xòe lông, rỉa cánh, đi lại khoan thai bất chấp phía dưới có hàng trăm du khách chĩa ống kính chụp ảnh. Chưa bao giờ đôi hạc này đáp xuống sân chùa.
Đôi hạc có mỏ xám trắng, ướm vàng, ngực trắng; lông cánh, lưng đen thẫm. Hằng ngày, nhà sư phục vụ thức ăn (cá) và nước uống lên nơi hạc ngự. Hạc chỉ tắm nước trời mỗi khi mưa xuống. Từ khi chim hạc xuất hiện, du khách có thêm nhiều huyền thoại rằng: Người thì nhận định đức Phật phái chim hạc bay về canh giữ cho mẹ Sỉ, người khác lại nói linh hồn mẹ Sỉ nhập vào nên chim hạc mới về đây trú ngụ. Và phải là đất nước an lành, tươi đẹp, lòng người hài hòa thì chim hạc mới bay về.
Người giữ chùa Sỉ Mương suốt hơn 20 năm qua tên Bun Lop kể: “Vào một buổi chiều mùa đông đã rất lâu rồi, tôi đang đi quanh chùa thì thấy đôi chim hạc bay về ngự trên nóc chùa. Tiếp đó, đôi chim hạc có một lần duy nhất xuống sân chùa đi lại rồi bay về ngự trên đỉnh hòn giả sơn phía sau chùa chính. Chim hạc được mọi người ở đây xem như một kênh dự báo thời tiết để tham khảo.
Bởi nếu hạc kêu “cạc! cạc!” thì đang mưa lạnh sẽ chuyển sang nắng ấm và ngược lại”. Từ ngày có đôi chim hạc, lượng du khách đổ về chùa Sỉ Mương ngày một nhiều hơn và ai cũng phải dừng lại ở khu vực Chậu Me Sỉ Mương để được tận mắt ngắm chim hạc và cầu nguyện mọi điều tốt lành.
Những chuyện huyền bí
Sau khi đi thăm chùa Sỉ Mương trở về, tối đó tôi lang thang trên đường phố Vientiane và nghe người dân sinh sống trên đất nước triệu voi kể nhiều câu chuyện nhuốm đầy màu huyền bí về đôi hạc cũng như ngôi chùa uy nghiêm này. Về đôi hạc, hạc lớn đậu phía trên nóc cột đá ong xếp thuộc bên hữu, hạc bé đậu phía bên tả, nhưng ở lớp đá thấp hơn. Quá trình sống tại chùa Sỉ Mương, khi nào hạc lớn chết đi, hạc bé lên thay vào vị trí hạc lớn đứng. Chỗ trống phía tả tự khắc sẽ có một con hạc khác không biết từ đâu bay về đứng vào.
Chưa hết, trong ngôi chùa Sỉ Mương còn có một khối đá nặng khoảng 20kg được người dân xem là vật thiêng liêng để họ gửi gắm niềm tin. Anh thanh niên lái xe túc túc xưng tên Thoong Phắt Păn kể: “Thường thì người đến lễ chùa nếu vướng bận điều gì đó sẽ vào nâng hòn đá này. Ví như, một trường hợp cho người khác vay tiền, nhưng chưa đòi được, khi họ tới chùa Sỉ Mương khấn và nâng hòn đá lên.
Nếu phía người nợ sẽ sớm trả tiền thì viên đá được nâng lên một cách nhẹ nhàng. Nhưng khả năng đòi nợ gặp khó khăn, việc nhấc viên đá nổi hẳn lên không sẽ chẳng thành. Tương tự, cặp vợ chồng nào hiếm muộn muốn sinh con cũng đến đây cầu khấn và nâng hòn đá để củng cố niềm tin vào số mệnh”.
Đối với một đất nước lấy Phật giáo làm quốc giáo, Lào có tới hơn 1.400 ngôi chùa cũng chả lấy gì làm ngạc nhiên. Song với ngôi chùa Sỉ Mương quả là rất đặc biệt với khách du lịch Lào. Đặc biệt ngay từ trong truyền thuyết kể từ khi nước bạn Lào cổ lập quốc, đặc biệt bởi sự uy nghi. Thời điểm hiện tại, kể từ khi đôi hạc về đây cư ngụ càng làm tăng thêm sự thiêng liêng và linh nghiệm. Nếu một ai đó đi tour du lịch Lào mà không ghé qua chùa Sỉ Mương quả là điều đáng tiếc.
Theo Báo Lao Động