Khám phá đền Chín Gian ở Quế Phong, Nghệ An

den-chin-gian-que-phong-nghe-an-du-lich-de-men-vn

Đền Chín gian trên đỉnh Pu Quái, huyện Quế Phong (Nghệ An) thờ thiên thần và nhân thần. Đặc sắc của ngôi đền thiêng, không chỉ là ở 9 con trâu, 9 vạc nước, 9 gian đền… mà còn là những nét văn hóa đặc sắc như lễ hội tắm trâu, tục hát khắp, hát nhuộm vẫn luôn được đồng bào Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ An duy trì. Đây là một điểm đến thu hút khách du lịch Nghệ An.

Có 1 điều lý thú ở đền Chín gian, là rất nhiều kiến trúc gắn liền với số 9 – tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Ngay từ sân đền đã có 9 tượng trâu (6 trâu đen và 3 trâu trắng) đang phủ phục, được đặt trên 9 bệ đá. Phía trước 9 con trâu là 9 vạc đựng nước mưa.

Còn ngôi đền, được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà sàn của người Thái, với cách bài trí tuân theo quy ước chặt chẽ. Phần mái đền Chín gian xòe rộng sang 4 phía, bờ nóc trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”, được nâng đỡ bởi hệ thống cột cái và cột quân.

 

9 con trâu trước đền tượng trưng cho chín bản mười mường du lịch de men vn
9 con trâu trước đền tượng trưng cho chín bản mười mường

Hành lang trang trí bằng hệ thống lan can theo kiểu chấn song. Hai bên hồi có 2 cầu thang lên xuống, mỗi bên gồm 9 bậc, trong đền chia thành 9 gian, tương ứng với nơi thờ tự của 9 mường: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Ha Quèn, Mường Miếng, Mường Chón, Mường Chóng.

Đền Chín gian được xây dựng từ thế kỷ thứ XIV, tại Pú Chò Nhàng, gọi là Tến pỏm (đền trên núi) thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Theo sử sách, ban đầu đền thờ Thẻn phà (thờ trời), Náng Xi Đả (con gái trời).

Đến cuối thế kỷ XVIII, đền được chuyển đến Pú Pỏm, tục gọi là Pú quái (núi trâu) hay còn gọi là đền hiến trâu (Tến xớ quái), thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Tại đây, đền thờ Thẻn phà (thờ trời), Náng Xi Đả (con gái trời) và Tạo Lò Ỳ (người có công xây bản lập mường).

Đồng bào dân tộc Thái vùng Phủ Quỳ (gồm 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong), xây dựng đền Chín gian là để thờ phụng các vị thần Thẻn phà (ông trời), Náng Xi đả (con gái trời) và Tạo Mường (vua của người Mường) Tạo Ló Ỳ.

 

Bên trong ngôi đền Chín gian
Bên trong ngôi đền Chín gian

Tương truyền, Tạo Ló Ỳ là người giúp dân lập bản, dựng mường và trở thành vị chúa đất đầu tiên nơi đây. Vùng đất đầu tiên do Tạo Ló Ỳ cai quản,  được gọi là Mường Tôn (Mường chủ, Mường gốc). Các mường được lập sau là Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Pha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón. Dưới tài đức cai quản của Tạo Ló Ỳ, cuộc sống người Thái ở đây đã khấm khá hơn.

Truyền thuyết trong đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ lưu truyền rằng: khi Ló Ỳ lập mường, dân cư sinh sống, làm ăn ngày càng phát đạt. Để tạ ơn trời đất, người làng đã xây dựng đền Chín gian, hằng năm đều mang trâu đến cúng lễ.

Trong một lần đang thực hiện nghi thức tắm trâu, thì có một con rồng đến cuốn trâu vào hang đá. Dân làng cho là điềm xấu, nên đã giết trâu để tế thần. Ít hôm sau, từ trong hang đá mà trâu bị cuốn vào xuất hiện một con quạ cổ trắng; miệng ngậm chiếc xương trâu bay vòng quanh núi Pú Pỏm thuộc bản Piếng Chào, rồi thả khúc xương xuống đó. Tin là lời thần linh chỉ bảo, cả dân làng sau này đã di dời ngôi đền về nơi con quạ thả khúc xương trâu.

 

Lễ rước trâu den chin gian nghe an
Lễ rước trâu

Hiện tại, đền Chín gian đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận, là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008. Các hoạt động tín ngưỡng gắn với đền Chín gian đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ.

Hằng năm, lễ hội đền Chín gian được tổ chức vào ngày 14 – 16/2 âm lịch, trong đó có nhiều hoạt động vui chơi đặc sắc. Đây là dịp để người dân 9 bản 10 mường vùng Phủ Quỳ, cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.

gthv-dldm