Trải nghiệm du lịch vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An

vuon-quoc-gia-pu-mat-nghe-an-du-lich-de-men-vn
Vườn quốc gia Pù MátNghệ An hấp dẫn du khách bởi các hoạt động khám phá núi rừng hùng vĩ, sông suối thác nên thơ, hệ động – thực vật phong phú, và những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái, người Đan Lai.
Với diện tích vùng lõi 94.804ha và vùng đệm 86.000ha, Vườn quốc gia Pù Mát trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An; có đường ranh phía Nam chạy dọc theo biên giới Việt Lào. Tên Vườn gắn với đỉnh núi Pù Mát cao nhất trong khu vực, 1.841m so với mực nước biển. Hiếm có du khách nào chinh phục được đỉnh núi này dù trước đó có thể họ đã đứng dang tay trên đỉnh Fasipan.
Vườn quốc gia Pù Mát có tính đa dạng sinh học cao, đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn. Qua các cuộc khảo sát đã xác định nơi đây có sự phân bố của nhiều loài động – thực vật quý hiếm.
– Hệ thực vật Vườn quốc gia Pù Mát đã ghi nhận 2.494 loài, 931 chi thuộc 202 họ, trong đó có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Cây gỗ: pơ mu, samu, sa mộc quế phong, giáng hương quả to, gụ lau, lát hoa, sến mật… Cây thuốc: hà thủ ô trắng, thường sơn, củ mài, thổ nhục linh, thiên nhiên kiện…, hiếm có là hoàng nàn, hoàng đằng, ba kích, bình vôi. Cây cảnh: phong lan, cau dừa, tuế… Cây thực phẩm: cà ổi Bắc Giang, đại hái, bứa, vả…
– Hệ động vật Vườn quốc gia Pù Mát đa dạng với 1746 loài. Hệ thú có 132 loài, quý hiếm là Voi, Hổ, Sao la, Vượn đen má trắng, Chà vá chân nâu, Khỉ đuôi lợn, Mang trường sơn, Chó sói lửa, Cầy vằn, Gấu ngựa… Hệ chim có 361 loài, tiêu biểu là Trĩ sao, Công, Gà lôi trắng, Gà tiền, Hồng hoàng, Niệc cổ hung, Diều cá bé… Cùng 33 loài lưỡng cư, 53 loài bò sát, 83 loài cá; và 1084 loài côn trùng, trong đó bao gồm 459 loài bướm, 78 loài kiến.
Vườn quốc gia Pù Mát cũng là nơi cư trú lâu đời của cộng đồng người Thái. Họ sinh sống ở hầu hết các thôn bản, trong các nhà sàn bằng gỗ với nghề trồng lúa nước, trồng cây lương thực, làm rẫy, trồng màu; chăn nuôi gia súc gia cầm; làm các sản phẩm mây tre đan, dệt vải thổ cẩm truyền thống với màu sắc sặc sỡ và bền đẹp.
– Chiếm số ít là dân tộc Kinh, chủ yếu sống ở thị trấn Con Cuông; và dân tộc Đan Lai, tập trung tại 3 bản Cò Phạt, Bản Cồn và Bản Búng thuộc xã Môn Sơn nằm ở phía Đông Nam của Vườn quốc gia Pù Mát. Tương truyền, Đan Lai còn là tộc người ngủ ngồi duy nhất ở Việt Nam, buổi tối người Đan Lai thường đốt lửa và làm que chống hình chữ X, tựa cằm vào đó ngủ, mà vẫn giữ được tư thế ngồi để thú rừng sợ không dám đến gần.