Về Phú Yên, thưởng ngoạn Ghềnh Đá Đĩa

Ghềnh Đá Dĩa Phú Yên: Tuyệt Tác Độc Đáo Của Thiên Nhiên

Nghe theo lời chị chủ khách sạn,“đến Ghềnh Đá Đĩa phải vào buổi sáng sớm”, chúng tôi rời thành phố Tuy Hòa từ 5 rưỡi, đi dọc theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 40km, tìm đường đến xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Quả thật, cảnh tượng hùng vĩ với những khối đá đen khổng lồ, mặt biển ánh lên màu mặt trời mọc như một tấm gương soi hiện ra trước mắt khiến chúng tôi vô cùng choáng ngợp.

Men theo con đường vào Ghềnh Đá Đĩa, hình ảnh xóm làng bên cạnh đồi núi trập trùng cùng những cánh đồng lúa xanh biếc mang tới cho những vị khách du lịch cảm giác thanh bình, nhẹ nhõm. Thời tiết mát mẻ nên chúng tôi dừng chân, tranh thủ nghỉ ngơi tại một quán nước trước cửa vào ghềnh. Trò chuyện với anh chủ quán mới thấy, cuộc sống của người dân địa phương nơi đây rất đỗi mộc mạc. Anh tâm sự, vào dịp đầu năm và những tháng hè, các đoàn xe du lịch cứ nối tiếp đưa du khách đến tham quan Ghềnh Đá Đĩa. Vì thế mà con đường dẫn đến ghềnh đá thiên tạo mới được trải nhựa hoàn toàn, giúp việc khám phá danh thắng này trở nên thuận lợi hơn.

ganh-da-dia-phu-yen-du-lich-de-men-vn-111
Cảnh đẹp hùng vĩ của Ghềnh Đá Đĩa đang ngày một thu hút khách du lịch Phú Yên.

Không phải tự nhiên mà người ta gọi Ghềnh Đá Đĩa là kiệt tác thiên nhiên đá. Không giống như Vịnh Hạ Long với đa dạng những ngọn núi đá vôi trùng điệp hay hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng, Ghềnh Đá Đĩa chinh phục khách thập phương bởi những khối đá đen hình lục lăng đan xen, xếp từng tầng lên nhau như những chồng chén đĩa, đều tăm tắp vươn mình ra biển khơi. Từ trên cao nhìn xuống, cảnh quan Ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ. Ghềnh đá rộng khoảng 50m, trải dài 200m, có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng nhưng tất cả đều xen kẽ, bám kết lại với nhau tạo nên một tổng thể vững chắc với màu đen bóng bẩy. Hình thù của Ghềnh Đá Đĩa được hình thành theo cách lý giải của các nhà khoa học là do hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Dòng dung nham nóng gặp biển lạnh đông cứng lại, cùng với hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều một cách tự nhiên nhưng vô cùng hoàn hảo.

Giữa ghềnh là một lõm trũng nước đọng lại thành từng vũng. Xung quanh vũng, những khối đá với vết nứt đuợc nước biển bào mòn nhẵn nhụi dựng tầng tầng, bám chặt lấy nhau. Đi sâu xuống dưới ghềnh là một hang ăn sâu vào chân núi. Chốc chốc, từng con sóng đập vào ghềnh, bọt tung trắng xóa. Xa xa là bãi Bàng với dáng cong cong hình lưỡi liềm, bãi cát trắng sạch tinh tươm. Lúc này, trời bắt đầu nắng đẹp. Mặt trời phản chiếu xuống mặt biển xanh trong mướt mắt như một tấm gương soi tuyệt đẹp. Nhìn xuống dưới dòng nước mát lạnh, chúng tôi bắt gặp những chú cá với đủ màu sắc tung tăng bơi lội, từng rặng tảo biển đua nhau uốn mình theo dòng nước, tạo nên cảnh tượng vô cùng hút mắt. Bấy giờ, chúng tôi thỏa sức bấm máy, chụp cho mình những bức ảnh đẹp nhất. Quay mặt nhìn sang đoàn khách Tây đứng kế bên, chúng tôi bắt gặp ánh mắt trầm trồ, thán phục của họ trước cảnh đẹp tuyệt mỹ mà mẹ thiên nhiên đã sắp đặt và ban tặng cho vùng đất nắng gió Phú Yên.

ve-dep-ganh-da-dia-phu-yen-du-lich-de-men-vn

Anh chủ quán nước chỉ tay vào bãi Bàng nói: “Nếu các anh chị đến đây vào tháng 9, màu nắng và nước biển còn xanh trong, đẹp hơn nữa. Bãi Bàng với bờ cát trắng phẳng lì cũng là một trong những điểm đến được các gia đình lựa chọn để cắm trại vào dịp cuối tuần”. Ghềnh Đá Đĩa hiện vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên nguyên thủy, hoang sơ. Dựa mình vào đá, nhắm mắt hít một hơi thở thật sâu, nghe tiếng sóng biển vỗ đập nhịp nhàng, tôi thấy trong lòng bỗng thư thái mà hiếm có nơi nào mang lại cảm giác ấy.

Theo Quân Đội Nhân Dân

Tham khảo: Tour du lịch Phú Yên